Chuyên ngành

Đô thị cần tự đánh giá khả năng chống chịu BĐKH

Biến đổi khí hậu được nhận định là thách thức mới của phát triển đô thị. Tuy vậy, công tác đánh giá khả năng chống chịu của các đô thị vẫn chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đây là yếu tố quan trọng để lồng ghép được yếu tố biến đổi khí hậu (BĐKH) vào xây dựng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị trên cả nước

1. Ứng phó chưa bám sát kế hoạch:

Đô thị chịu tác động của BĐKH có thể phân thành 2 khu vực. Hệ thống đô thị ven biển, ven sông, các khu vực đô thị đồng bằng có nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng, triều cường, mất đất và nhiễm mặn nguồn nước. Hệ thống đô thị miền núi, cao nguyên chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, suy giảm nước ngầm.

Tại Hội thảo cuối kì về kết quả xây dựng Bộ Chỉ số đô thị chống chịu với BĐKH (VN-CRI) tại Việt Nam, Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) đưa ra kết quả thí điểm bộ chỉ số tại 5 đô thị và nhân rộng tại 28 đô thị khác trải khắp 3 miền. Khá bất ngờ là Thủ đô Hà Nội có chỉ số chống chịu tổng hợp thấp nhất, đạt 5,6 trên thang điểm 10. Ngoài ra, chỉ có 10 đô thị đạt mức điểm trung bình khá (từ 7 trở lên), cao nhất là thành phố Hải Phòng đạt 7,96 điểm.

Kết quả này dựa trên cuộc khảo sát với sự tham gia của UBND các thành phố/thị xã, ban chỉ đạo ứng phó BĐKH cấp tỉnh và các Sở, ban, ngành liên quan. Thay vì thuần túy số liệu liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, giao thông nhà ở như hệ thống đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến đô thị như hiện nay, các đơn vị đã thu thập số liệu và trả lời các câu hỏi liên quan đến khả năng chống chịu toàn diện trên 4 khía cạnh: Sức khỏe và phúc lợi, kinh tế và xã hội, hạ tầng và môi trường, lãnh đạo và chính sách. Đối với Hà Nội, điểm tổng hợp của cả 4 khía cạnh đều thuộc nhóm thấp nhất.

Ông Nguyễn Dư Minh, đại diện Cục Phát triển Đô thị và nhóm chuyên gia thực hiện dự án nhận định, công tác ứng phó với BĐKH tại hầu hết các đô thị chưa thực sự gắn kết với các chính sách, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch. BĐKH là vấn đề rất mới, những ảnh hưởng thời tiết, thiên tai khó dự đoán và gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, Việt Nam lại thiếu các công cụ pháp luật, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, hệ thống dữ liệu, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị ứng phó với BĐKH.

Ở địa phương, khi xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp thích ứng, người dân và chính quyền rất hạn chế về nguồn dữ liệu, thông tin và nghiên cứu cấp địa phương. Họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận hoặc nắm bắt một cách đầy đủ những nội dung mà các cơ quan chuyên môn cung cấp. Nguyên nhân do dữ liệu, thông tin chỉ được công bố trên một số ít kênh/phương tiện thông tin.

Bên cạnh đó, tuy Chính phủ đã đầu tư nhiều cho hệ thống quan trắc và phân tích số liệu phục vụ ứng phó BĐKH, nhưng mức độ chi tiết số liệu cả về không gian và thời gian chỉ dừng ở cấp vùng, khó dùng trong công tác ứng phó cấp cộng đồng.

2. Thiếu cơ chế, chính sách:

 Việc tự đánh giá khả năng chống chịu giúp các đô thị có cái nhìn tổng quan, làm rõ những điểm mạnh, yếu trên từng khía cạnh của hệ thống đô thị dưới tác động của biến đổi khí hậu. Tuy vậy, quá trình thí điểm đến nhân rộng Bộ chỉ số VN-CRI không đảm được các yêu cầu về thu thập số liệu. Theo PGS. TS Trần Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, các tỉnh/thành phố cung cấp thông tin thiếu khá nhiều hoặc đã cũ, nguồn số liệu chung chung không rõ ràng. Với chất lượng số liệu như vậy khó mà đạt được mục tiêu đánh giá tổng thể khả năng của đô thị và đề xuất các giải pháp phù hợp.

Khó khăn lớn nhất của các địa phương hiện nay là vấn đề phát triển đô thị chưa được cụ thể trong văn bản pháp luật nào, vì vậy, dù nhận thức được sự cần thiết của việc tự đánh giá, nhưng các đơn vị đều triển khai rất dè dặt. Theo đại diện Sở Xây dựng tỉnh Sơn La, tỉnh cần có thêm hướng dẫn cụ thể về lồng ghép các yếu tố rủi ro của đô thị trong công tác quy hoạch, kế hoạch. Một số chỉ số/biến số không có sẵn hoặc nằm rải rác sở các Sở, ngành khác nên khó thu thập, xử lý.

Đồng quan điểm, đại diện UBND thị xã Gia Nghĩa cho biết, công tác thu thập số liệu khá mất thời gian do thiếu sự phối hợp giữa các cấp cơ quan và các Sở, ngành khác nhau. Một số cán bộ chưa hiểu, chưa đánh giá đầy đủ sự cần thiết của lồng ghép BĐKH. Các quy định của pháp luật chủ yếu mới đề cập đến phòng tránh, giảm nhẹ thien tai, chưa bổ sung yếu tố BĐKH nên khó huy động các đơn vị tham gia đánh giá. Bộ phận cán bộ phụ trách thường là kiêm nhiệm, rất cần được đào tạo thêm kiến thức và kỹ năng, chế độ đãi ngộ hợp lý.

Để tạo đà tăng cường sức chống chịu đô thị, hiện, Bộ Xây dựng đã đưa các chính sách cụ thể về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, xanh, sinh thái vào Chương II Dự luật Phát triển đô thị. Theo đó, những chỉ số quan trọng ngoài ngành xây dựng có liên quan đến đô thị ứng phó BĐKH cũng sẽ đưa vào các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

Theo bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, với việc hoàn thiện Bộ chỉ số VN-CRI, các đô thị đã góp triển khai 3 nhiệm vụ trọng tâm của Đề án “Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH” giai đoạn 2013 - 2020” của Thủ tướng Chính phủ. Đó là: Điều tra đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến đô thị, tích hợp nội dung ứng phó BĐKH vào chương trình, kế hoạch phát triển; đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các cấp về quản lý, phát triển đô thị ứng phó với BĐKH. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu ban hành hướng dẫn cụ thể cho các địa phương tham khảo và áp dụng.

Nguồn: monre.ogv.vn